8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hạt điều tăng về lượng nhưng giảm kim ngạch

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước xuất khẩu 313.012 tấn hạt điều, thu về trên 2 tỷ USD, giá trung bình 6.391,5 USD/tấn, tăng 9,5% về lượng, nhưng giảm 4,9% về kim ngạch và giảm 13,1% về giá so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 8/2020 xuất khẩu hạt điều sang đa số các thị trường tăng kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, trong đó tăng mạnh sang một số thị trường: Ukraine tăng 90% về lượng và kim ngạch, đạt 114 tấn, tương đương 0,7 triệu USD; Saudi Arabia tăng 97,5% về lượng và tăng 84,9% kim ngạch, đạt 233 tấn, tương đương 1,51 triệu USD; Iraq tăng 86,2% về lượng và tăng 75,4% kim ngạch, đạt 324 tấn, tương đương 2,14 triệu USD.
Tính chung cả 8 tháng đầu năm 2020, Mỹ vẫn đứng đầu về tiêu thụ hạt điều của Việt Nam với 106.023 tấn, tương đương 680,92 triệu USD, giá 6.422 USD/tấn, tăng 11,6% về lượng, giảm 0,6% về kim ngạch và giảm 10,9% về giá so với cùng kỳ năm 2019; chiếm 34% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước.

Tiếp đến thị trường Hà Lan đạt 40.540 tấn, tương đương 266,13 triệu USD, giá 6.564,8 USD/tấn; tăng 54,2% về lượng, tăng 32,2% về kim ngạch nhưng giảm 14,3% về giá so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước.

Thị trường lớn thứ 3 là Trung Quốc đạt 35.986 tấn, tương đương 227,87 triệu USD, giá 6.332,3 USD/tấn, giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2019, với mức giảm tương ứng 14,5%, 30,2% và 18,3%,; chiếm trên 11% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước.

Con số xuất khẩu của ngành điều được đánh giá khả quan, nhưng theo các chuyên gia trong ngành, kết quả này chưa phản ánh đúng thực tế thị trường do lượng hàng xuất khẩu không có thị trường đích (hàng đưa vào kho ngoại quan chờ xuất) còn rất cao. Ngoài ra, một nghịch lý vẫn diễn ra như mọi năm, đó là ở một số thời điểm, cùng một mã hàng, giá điều nhân tại thị trường trong nước cao hơn 15 – 20% so với giá xuất khẩu, làm cho tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp , đặc biệt là nhóm doanh nghiệp thuần thương mại xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến ngành điều Việt Nam trong thời gian qua. Giá điều nhân giảm khiến nhiều doanh nghiệp chế biến điều trong nước bị ảnh hưởng nặng nề khi dự trữ nguyên liệu với giá cao nhưng xuất khẩu đi với giá thấp. Cụ thể, các doanh nghiệp thường dự trữ điều thô từ cuối năm trước để chế biến xuất khẩu cho năm sau, vào thời điểm cuối năm 2019 giá điều thô khá cao, từ 1.200 đến 1.500 USD/tấn. Đến đầu năm nay, giá điều thô giảm xuống còn 1.000 USD/tấn, kéo giá điều nhân giảm theo khiến doanh nghiệp lỗ nặng.

Các chuyên gia nhận định, nhu cầu tiêu thụ điều trên thế giới những tháng cuối năm 2020 khó dự đoán, bởi đây không phải là thực phẩm thiết yếu. Đặc biệt, nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước tiêu dùng hạt điều lớn trên thế giới vẫn cao, điều này sẽ tác động đến nhiều ngành, trong đó có ngành điều.

Nguồn: VinaNet


Sản phẩm liên quan

BForum - The world's leading Blockchain Forum mywebsite.vn